Trồng chuối tiêu hồng thu từ gốc đến ngọn, anh nông dân Thái Nguyên kiếm bộn tiền
Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Nguyễn Xuân Huỳnh cho biết: Sau khi tốt nghiệp Học viện Quân Y, năm 2000 do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, anh đã quyết định rời Việt Nam sang Nga để làm ăn kinh tế. Sau 13 năm, do khủng hoảng kinh tế làm ăn không ổn định, anh quyết định trở về quê nhà để phát triển kinh tế gia đình.
Ban đầu, anh cải tạo đất ruộng rồi đào ao thả cá. Sau một thời gian đi tham quan học hỏi nhiều mô hình ở một số tỉnh bạn trong đó có mô hình trồng cam ở Hoà Bình thấy hiệu quả nên anh Huỳnh đã quyết định trồng thử 1.000 cây. Lúc đầu, cam bán được giá nên gia đình anh cũng có thu nhập đáng kể. Nhưng một thời gian sau giá cam giảm mạnh nên anh chuyển sang trồng bưởi da xanh và nhãn.
Qua quá trình tìm hiểu, anh nhận thấy cây chuối tiêu hồng phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương nên đã quyết định trồng thử nghiệm 500 cây. Nhận thấy hiệu quả nên anh phát triển số lượng lớn dần lên.
Anh Huỳnh bắt đầu đến với mô hình trồng chuối tiêu hồng từ năm 2018 (Ảnh: Hà Thanh)
Anh Huỳnh cho biết: Với tổng diện vườn đồi khoảng 7 – 8ha, hiện gia đình anh có khoảng 1ha ao nuôi cá, 100m2 chuồng trại chăn nuôi lợn. Phần diện tích đất còn lại, anh trồng xen canh 5.000 cây bưởi và 5ha chuối tiêu hồng với 7.000 cây. Đến nay là năm thứ 4 gia đình anh phát triển mô hình trồng chuối này.
Hiện, gia đình anh Huỳnh có tất cả 7.000 cây chuối tiêu hồng (Ảnh: Hà Thanh)
Bên cạnh chuối tiêu hồng, anh Huỳnh trồng xen canh với 5.000 cây bưởi (Ảnh: Hà Thanh)
Theo anh Huỳnh, ưu điểm của mô hình trồng chuối tiêu hồng là có thể thu hoạch từ gốc đến ngọn mà không phải bỏ bất kỳ một bộ phận nào của cây. Quả, hoa và lá được anh bán cho thương lái, còn mầm và thân cây được dùng để làm thức ăn cho lợn giúp giảm chi phí chăn nuôi và gia tăng lợi nhuận. Thậm chí những cây chuối bị hỏng, không thể sử dụng được anh dùng để ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng.
Theo anh Huỳnh, chuối tiêu hồng tương đối dễ trồng và ít sâu bệnh, lại cho hiệu quả kinh tế cao (Ảnh: Hà Thanh)
Trước đây, để phục vụ nguồn thức ăn cho cá, anh Huỳnh phải trồng 4 sào cỏ mỗi năm, tuy nhiên từ khi phát triển mô hình trồng chuối này, anh tận dụng lá chuối, bẹ chuối, thân cây chuối con để làm thức ăn cho cá, do đó tiết kiệm được thời gian, chi phí và diện tích đất trồng cỏ.